Menu

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có gì mà Leflair vẫn muốn quay trở lại sau khi phá sản?

 Leflair quay trở lại trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam được dự báo tăng trưởng 29% trong giai đoạn 2020 - 2025 và cán mốc 52 tỷ USD vào năm 2025.

Như tin chúng tôi đã đưa trước đó, sàn thương mại điện tử Leflair sắp quay trở lại thị trường Việt Nam với một nhà đầu tư mới - Công ty TNHH SoPa Technology (Social Pass) - đơn vị sở hữu nền tảng khách hàng thân thiết dựa trên dữ liệu tại Đông Nam Á.

Trước đó, đầu tháng 2/2020, Leflair thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, với lý do "áp lực về nguồn vốn", song vẫn tiếp tục duy trì nhập khẩu hàng. Tháng 3 cùng năm Leflair được chấp thuận mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.

Vậy thị trường thương mại điện tử Việt Nam có gì khiến những sàn thương mại đã "ngã đau" như Leflair vẫn không từ bỏ ý định quay lại?

Chiếc áo vẫn còn rộng

Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 30%. Từ năm 2015 - 2019, quy mô thương mại điện tử, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD lên khoảng 11,5 tỷ USD.

VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD. 

Còn theo báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 dự báo tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD, giai đoạn 2020 - 2025 dự báo tăng trưởng 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.

Hiện, các sàn thương mại điện tử lớn nhất nước ta bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Trong đó, lượng truy cập web mỗi tháng của Shopee lên tới hơn 63,7 triệu lượt, Tiki là 19 triệu lượt và 18 triệu lượt trên Lazada hay hơn 8 triệu lượt của Sendo.

Leflair nhìn thấy gì từ thị trường TMĐT Việt Nam khi muốn quay trở lại? - Ảnh 2.

Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. (Nguồn: Price Insight).

Bên cạnh đó, dưới tác động của đại dịch COVID-19 làm thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng từ offline sang online cùng thanh toán không chạm nở rộ, các sàn thương mại điện tử cũng tăng thêm sức cạnh tranh để thu hút người dùng gia nhập và giao dịch trên sàn.

Theo số liệu từ Haravan, quý I/2021, số người kinh doanh và các doanh nghiệp chuyển đổi lên online cũng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và số lượng đơn hàng online qua kênh mạng xã hội cũng tăng hơn 70%.

Báo cáo "Digital Consumers of Tomorrow, Here's Today" của Facebook và Bain & Company cũng chỉ ra đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi kinh doanh online của doanh nghiệp. Hơn 63% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho thấy sẵn sàng mua online thay vì đợi đến các đợt khuyến mãi.

Nhìn ra được tiềm năng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, hàng loạt các ông lớn ngoại đã đổ tiền vào các sàn như Tiki, Shopee,...

Đơn cử, Tiki có sự góp mặt của quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ Singapore là EDBI; JD.com và các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; từ Nhật Bản như CyberAgent Ventures, Sumitomo... 

Shopee từng nhận vốn đầu tư 50 triệu USD từ công ty SEA (Singapore). Lazada ngoài Alibaba là đồng cổ đông kiểm soát còn có có nhà đầu tư khác là quỹ đầu tư quốc gia Temasek của Singapore. Tại Sendo, nhà đầu tư trong nước nắm gần 35%, trong khi 16 cổ đông ngoại sở hữu hơn 65% cổ phần.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/thi-truong-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-co-gi-ma-leflair-van-muon-quay-tro-lai-sau-khi-pha-san-20210611003034578.htm

Bài viết liên quan

Nhận xét Bình luận



0 nhận xét "Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có gì mà Leflair vẫn muốn quay trở lại sau khi phá sản?"

Back To Top