Bà Lê Hồng Thủy Tiên hiện đang giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, đơn vị phân phối độc quyền cho rất nhiều thương hiệu thời trang, nước hoa,... lớn trên thế giới.
Xem chi tiết tại: https://vietnambiz.vn/chan-dung-ba-trum-kin-tieng-nganh-ban-le-hang-xa-xi-tai-viet-nam-20211018105449441.htm
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, được biết đến là phu nhân của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, đồng thời cũng là một doanh nhân có tiếng trong ngành bán lẻ như chồng. Bà Thuỷ Tiên sinh năm 1970, hiện giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).
Theo một bài viết trên Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, mẹ Thuỷ Tiên là một giáo viên, vì vậy cách dạy dỗ con cái thường nghiêm khắc. Bà cùng anh chị em trong gia đình thường được nhắc nhở rằng chăm chỉ là chìa khóa để tồn tại. Cha mất sớm từ khi bà lên 5, điều này cũng là động lực giúp CEO IPPG rèn luyện ý chí, nghị lực để vươn lên.
Từ gia sư tiếng Anh tới diễn viễn điện ảnh
Thời sinh viên, bà Thuỷ Tiên bắt đầu kiếm tiền, trang trải cho cuộc sống cũng như giúp đỡ gia đình bằng nghề gia sư tiếng Anh. Cái tên Thuỷ Tiên bắt đầu được công chúng biết tới khi bà tham gia diễn xuất.
Sở hữu gương mặt khả ái, nhan sắc ấn tượng, do đó, mặc dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp điện ảnh nhưng bà Tiên vẫn được mởi tham gia vào bộ phim "Vị đắng tình yêu", thủ vai chính cùng diễn viên Lê Công Tuấn Anh khi còn là sinh viên.
Ngoài ra, phu nhân của ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng được mời tham gia một số bộ phim khác như: Chân dung màu đỏ, Cô gái điên, Tôi và em,… Kể từ đó, độ phủ sóng của bà Lê Hồng Thủy Tiên bắt đầu phổ biến hơn.
Dù vậy, khi sự nghiệp diễn xuất đang có những bước tiến mới, bà Tiên bất ngờ rút khỏi thế giới phim ảnh, chuyển hướng sang thành tiếp viên hàng không cho Vietnam Airlines. Chính tại đây, bà đã có cơ hội gặp được người đàn ông của đời mình - "vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn, khi đó còn giữ chức Tổng Giám đốc IPPG.
Bà trùm ngành bán lẻ hàng xa xỉ
Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn vừa là người chồng, vừa là người thầy của nữ CEO trên thương trường. Sau này, chính ông cũng trao quyền điều hành cho bà Tiên tại IPPG, còn bản thân giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Nữ doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên cũng là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ. Năm 1995, bà là Giám đốc Điều hành Siêu thị Miền Đông, rộng hơn 10.000 m2 - siêu thị đa ngành hàng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam năm 1995. Dưới sự điều hành của bà, tập đoàn bắt đầu liên kết kinh doanh xuất nhập khẩu với Mỹ, Australia và nhiều nước khác.
Tới năm 2004, bà chính thức trở thành Tổng Giám đốc điều hành IPPG. Dười thời bà IPPG đã trở thành nhà phân phối độc quyền của Việt Nam cho hơn 108 thương hiệu lớn trên thế giới như Docle Gabbana, Burberry, Ferragamo, Cartier, Rolex, Nike, Gap, Henessy, Rémy Martin, Camus... Tập đoàn cũng là đơn vị nhượng quyền độc quyền của nhiều thương hiệu F&B quốc tế như Burger King, Dominos Pizza, Popeye Chicken... với 200 cửa hàng ăn uống trên toàn quốc.
"Tôi đã phải lập nhiều phương án kinh doanh và trình bày với họ một cách ấn tượng và thuyết phục nhất để 'gút' được hợp đồng phân phối với tinh thần đôi bên đều có lợi", bà Thủy Tiên chia sẻ.
IPPG sau đó cũng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hàng không như tại Sasco và CIAS, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng từng đặt vấn đề mua sân bay Phú Quốc và trở thành cổ đông chiến lược của ACV nhưng chưa thành công. Tính tới năm 2019, IPP giữ 30% cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh.
Ngoài ra, nữ lãnh đạo IPPG còn được biết đến là người có "bàn tay vàng" khi gần như bất kỳ thứ gì bà chạm vào đều có thể hóa "vàng". Điều này thể hiện qua sự thành công tiếp nối khi tính đến năm 2017, bà đang quản lý 25 công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm, theo Vietnamnet.
Biểu tượng của nữ quyền
Bên cạnh công việc kinh doanh, bà Thủy Tiên cũng nhiệt tình ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ về bình đẳng và phát triển nghề nghiệp tại nơi làm việc, tạo việc làm cho hơn 25.000 người, trong đó 60% nhân viên của tập đoàn là phụ nữ và số phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo quản lý đạt 70%.
Phu nhân ông Jonathan Hạnh Nguyễn nỗ lực trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gồm xây dựng mái ấm và trường học cho trẻ em và giáo viên ở các vùng nông thôn nghèo, ủng hộ các quỹ từ thiện và các chương trình giáo dục tại Việt Nam với tổng giá trị lên tới hàng chục triệu USD trong những năm qua.
Bà Tiên cũng trở thành nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung được Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ thế giới mời tham gia diễn thuyết tại hội nghị này trong hai năm liên tục: 2018 (tại Sydney, Australia) và 2019 (tại Basil, Thụy Sĩ) với chủ đề: "Phụ nữ - Tái định nghĩa thành công" và "Xây dựng các nền kinh tế chia sẻ giá trị chung".
Không dừng lại ở đó, bà cũng từng được những tạp chí danh tiếng khác trên thế giới như Forbes, The Guardian, Marie Claire của Mỹ và Australia, Harper Bazaar, Her World Singapore vinh danh trong hạng mục "Những nữ doanh nhân trẻ thành công tiêu biểu tại Việt Nam và châu Á" cùng nhiều lần có tên trên bục trao giải tại những lễ trao giải danh giá khác.
Mới nhất, trong tháng 9, thay mặt Tổng thống Cộng hòa Italy, Tổng lãnh sự Italy tại TP HCM - ông Dante Brandi đã trao tặng Huân chương cho bà Lê Hồng Thủy Tiên. Tổng lãnh sự Cộng hòa Italy tại TP HCM đánh giá bà Lê Hồng Thủy Tiên là một hình mẫu về sự tham gia hiệu quả của phụ nữ vào các hệ thống chuyên nghiệp ở Việt Nam.
0 nhận xét "Chân dung bà trùm kín tiếng ngành bán lẻ hàng xa xỉ tại Việt Nam"